Tái tạo tượng Phật là hành động tượng trưng cho công tác tái thiết Afghanistan
Tái tạo tượng Phật là hành động tượng trưng cho công tác tái thiết Afghanistan Tuesday, December 19, 2006 | ||
| ||
| ||
Tác giả: Peter Schurmann (New America Media) Người dịch: Nguyễn Ngọc Minh LTS.- Ðây là bản dịch từ bài “Rebuilding Buddhas a Symbol in Rebuilding Afghanistan” đăng trên website của New America Media. Tác giả Peter Schurmann là một nghiên cứu sinh thuộc phân khoa “nghiên cứu Á Châu” của trường Ðại Học UC Berkeley. Người Việt dịch và đăng bài này với sự đồng ý của New America Media. Trong thời gian hơn một ngàn năm, vùng thung lũng Pamir xanh tươi của Afghanistan đã nằm phía dưới cái nhìn từ bi của hai bức tượng Phật khổng lồ đứng trên vách núi - chúng giống như những đài kỷ niệm ghi dấu một lịch sử vàng son của những người hành hương và những khách thương, của tôn giáo và văn hóa. Trong năm 2001, hai bức tượng Phật đã bị chế độ Taliban phá hủy. Một số người nói rằng hành động đó phát xuất từ sự cuồng tín tôn giáo, một số người khác cho rằng đó là một thông điệp chính trị nhắm vào Tây phương. Những gì còn lại là những tảng đá tan vỡ và những mảnh gỗ vụn rải rác trên mặt đất, giống như những mảnh vỡ một quá khứ từng có thời huy hoàng của Afghanistan. Những bức tượng đó đã được tạo dựng ở thế kỷ thứ 6, nằm trong vùng đất của một tu viện Phật Giáo rộng lớn, nơi này cũng là một trong những trung tâm tôn giáo và thương mại nằm trên Con Ðường Tơ Lụa (Silk Road) nối liền Âu Châu với thủ đô của đời nhà Ðường ở Trung Hoa. Phần lớn vùng này, cùng với khu vực mà ngày nay là Pakistan và một phần phía Bắc Ấn Ðộ, hồi đó thuộc quyền cai trị của những vua chúa của đế quốc Kushan - họ mà một dân tộc thuộc giống dân Ấn-Âu (Indo-Eruropean) và là tổ tiên của sắc dân Pashtun ngày nay đang sống trong thung lũng Pamir. Ðế quốc Kushan đã trở thành thịnh vượng nhờ sự phong phú về văn hóa và thương mại giao lưu trên khắp Con Ðường Tơ Lụa. Không giống như ngày nay, đạo Phật trong thế kỷ thứ 6 là một tôn giáo chú trọng vào sự truyền đạo để bành trướng, bằng cách phái những nhà truyền giáo đi các nơi để rao giảng và thuyết phục các nhà cai trị và trọn cả dân tộc của họ theo đạo Phật. Các vua chúa và hoàng đế thời đó đã coi đạo Phật như là một công cụ hữu hiệu để giúp họ thống nhất - hoặc có khi đi chinh phục - một dân tộc để đặt dưới quyền cai trị của họ. Chắc hẳn các nhà cai trị của đế quốc Kushan đã nghĩ tới điều này, và sự kiến tạo những bức tượng Phật khổng lồ bằng đá đã được dùng như là một tuyên ngôn về sức mạnh tinh thần và chính trị của đế quốc đó. Có thể coi rằng công trình này phát sinh từ tín ngưỡng và chính trị, từ tôn giáo và nhà nước. Trong năm 2001, khi chế độ Taliban nhắm những ống phóng đạn rốc-két vào khuôn mặt thanh thản và uy nghi của hai bức tượng Phật, cả thế giới kinh ngạc và phẫn nộ đối với hành vi nhẫn tâm và ngang ngược để phá hủy những bảo vật quý báu và lịch sự cổ kính của nhân loại. Nhiều người trên thế giới coi hành động đó là thêm một bằng chứng về sự vô nhân tính của những nhà cai trị Hồi Giáo ở Afghanistan. Dù sao, người ta cũng cần nên nhớ rằng, trong năm 2001, Afghanistan đang trải qua một cơn hạn hán trầm trọng, với hàng ngàn người có nguy cơ chết đói. Trong Tháng Ba năm đó, nhật báo The New York Times tường thuật rằng trong khi Afghanistan đang lâm vào tình trạng khốn đốn, một phái đoàn ngoại quốc đã tới để đề nghị ban tiền trợ giúp để tân trang hai bức tượng Phật ở Bamyan, và phái đoàn đã từ chối dành riêng một phần tiền để cứu trợ nạn đói. Có lẽ vì vậy các giáo sĩ Taliban đã ra lệnh phá hủy hai bức tượng Phật ở Bamyan để tỏ thái độ với Tây phương. Kể từ khi cuộc xâm nhập do Hoa Kỳ cầm đầu để lật đổ chế độ Taliban, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và Thái Lan, đã đề nghị tái thiết hai bức tượng. Hiện thời có những toán người Afghanistan, dưới sự hướng dẫn của một kiến trúc sư Ðức và một nhóm kỹ sư Ý, đang làm việc để tái tạo hai bức tượng Phật. Tôi cảm thấy có sự trớ trêu, rằng cách đây một thế kỷ, chính người Âu Châu đã cầm đầu những vụ thổ phỉ để ăn cắp những di tích văn hóa của Afghanistan, đem về nước họ những cái đầu tượng Phật bằng đá và bằng cẩm thạch để trưng bày, giống như là biểu tượng của sự trội vượt của Âu Châu trong mọi lãnh vực, cả quá khứ lẫn hiện tại. Nhưng cũng chính những bảo vật bị ăn cắp đó đã có công giới thiệu cho người Tây phương về những nét đẹp và vẻ trang nhã của nghệ thuật Phật Giáo của Afghanistan. Ðó là điều đã khiến người Tây phương trở lại Bamyan. Hai pho tượng Phật ở Bamyan đã đứng vững trong những thời kỳ của chiến tranh, của áp bức và sự cuồng tín tôn giáo. Bị cát bụi và khói súng làm lu mờ, chúng có vẻ giống như là kỷ vật gợi nhớ lại một thời huy hoàng xa xưa. Ðiều này khiến người ta tự hỏi những pho tượng Phật Giáo này có thể tượng trưng cho những gì đối với một nước Hồi Giáo đang rất cần tái thiết, và đối với tất cả thế giới, nói chung, đã chia sẻ một phần quá khứ và hiện tại của Afghanistan. Hành động của chế độ Taliban để phá hủy những bức tượng đó không phải là lần đầu tiên một chính phủ đã toan tẩy xóa lịch sử để tạo lập một quốc gia mới và một ý thức hệ mới. Và giống như những mảnh vỡ của hai pho tượng Phật, lịch sử vẫn còn đó, tuy bị vỡ nhưng vẫn còn đầy sức mạnh. Một đường nét đáng kể của hai pho tượng là chúng chịu ảnh hưởng từ văn hóa Hy Lạp - đây là sự phản ảnh của một thế giới đã giao tiếp khá rộng rãi của Con Ðường Tơ Lụa. Những bức tượng đó là sự phối hợp giữa Ðông và Tây. Ngày nay, trong khi người Âu Châu và người Afghanistan đang hợp tác để cố gắng phục hồi từng chút từ sự huy hoàng của vùng Bamyan bằng cách ráp lại những mảnh vụn của một quá khứ đã đổ vỡ, có lẽ những bức tượng này sẽ tượng trưng cho một nước Afghanistan mới, một quốc gia dang tay ra để nhận lại quá khứ đa dạng và đầy khích lệ, với cặp mắt nhìn chăm chú, giống như hai bức tượng Phật, về một tương lai phú cường hơn. |
0 Comments:
Post a Comment
<< Home