namoamitabhabuddhatheky21

Saturday, February 03, 2007

Đi chợ nổi Cái Răng

Đi chợ nổi Cái Răng
Monday, January 22, 2007



medium_VN_caphetrenchonoiCaiRang 1.jpg

Ghe bán cà phê trên chợ nổi. Cà phê đá được cho vào từng bịch nylon có sẵn ống hút.

medium_VN_dubilietcahaichannhungnguoidanongnayvanboixuongbanveso.jpg

Dù bị liệt cả hai chân, người thương lái này vẫn buôn bán trên sông.

medium_VN_ghebunrieucuachiSau.jpg

Ghe bún riêu của chị Sáu phục vụ bao tử của thương lái, người đi chợ.

medium_VN_cuahangtaphoadidongtrenchonoi.JPG

Cửa hàng tạp hóa di động trên chợ nổi.

medium_VN_cungmeracho.jpg

Một cậu bé đi phụ với mẹ chèo xuồng ra chợ bán hàng.

medium_VN_nhungchiecgheduahautrenchonoiCaiRang.jpg

Ghe bán dưa hấu.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=54624&z=124

Thu Hiền/Người Việt

Sáng sớm khi ông mặt trời còn nhấp nhô trên mặt sông, chợ nổi Cái Răng đã tấp nập xuồng ghe từ bao giờ. Chiếc xuồng ba lá của “chú Ba chèo đò” len lách qua những chiếc ghe chất đầy nông sản tươi rói đưa chúng tôi chồng chành “đi chợ” trên sông.

Gần đến Tết, chợ nổi Cái Răng đông ken với hàng ngàn chiếc ghe chiếc thuyền đậu san sát nhau kín cả một khúc sông.

Chú Ba - người có thăm niên đưa đò ngang ở chợ nổi Cái Răng này gần ba mươi năm, cho biết: “Ngày thường, chợ nổi Cái Răng thường họp từ sáng sớm đến chiều tà tà... là tan. Nhưng từ độ đầu Tháng Chạp Âm Lịch thì chợ họp suốt ngày đêm. Số lượng hàng hóa tăng lên gấp 5-6 lần so với ngày thường. Ngày thường chỉ có vài trăm chiếc ghe, vào những ngày này vào lúc cao điểm chợ có thể tăng lên hơn ngàn chiếc, thương hồ khắp nơi về đây mua-bán hàng.

Hầu như tất cả các mặt hàng nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long đều có mặt trên chợ nổi này, đủ các loại rau cải đến các loại trái cây như: cam, quýt, mận, xoài, ổi, chôm chôm, đu đủ... Ðặc biệt vào những ngày này, chợ nổi càng thêm rực rỡ với những chiếc ghe chiếc thuyền chất đầy hoa kiểng, nào là mai vàng, cúc, vạn thọ...

Len lỏi qua khỏi xóm ghe bán bắp cải gần bờ, tôi không khỏi bị “ngớp” khi trông thấy những chiếc ghe chất đầy cà chua và ớt... đỏ rực cả mặt sông. Chú Ba nói: “Chưa nhiều đâu, còn bốn, năm ghe đi mua cà chưa về kịp đó!”, nói xong rồi chú Ba khéo léo lách xuồng qua những chiếc ghe củ sắn, tiến gần đến xóm ghe bán dưa hấu. Có năm sáu ghe bán dưa hấu trái dài, chỉ có ba chiếc ghe bán dưa hấu trái tròn. Giải thích điều này, một chủ ghe dưa hấu trái tròn cho biết: “Bây giờ mới đầu Tháng Chạp, tụi tui chưa dám mua nhiều, đợi vào “hăm” mới bán “dưa trưng” luôn. Dưa trái dài ngày thường hay ngày Tết gì đều tiêu thụ mạnh vì thịt dẻ, ngọt hơn dưa trái tròn. Từ ghe này sang ghe khác xa gần chục mét mà dân mua bán dưa “thảy” rồi “chụp” trái dưa hấu một cách rất nhẹ nhàng, thật điệu nghệ và khéo léo... Tôi lóng ngóng đứng xem mà cứ lo cho người chụp lỡ hụt tay, sợ trái dưa sẽ lọt tủm xuống sông, mọi người cười và nói: “Quen tay rồi! Dễ gì mà lọt được!”

Tôi loay hoay lo giữ thăng bằng trên chiếc xuồng ba lá luôn lắc lư, chưa kịp giơ máy ảnh lên chụp ghe dưa hấu thì đã bị một anh “thảy dưa” móc con dế Nokia dòng N từ trong túi quần ra chụp tôi, không biết là từ bao giờ. Những du khách người Mỹ ở xuồng bên cạnh đã có một trận cười nghiêng ngả, họ hỏi tôi: “Sợ chưa?!” Tôi chỉ biết e ngại, lắc đầu và nói: “Bó tay!”

Một trong những mặt hàng nông sản đặc trưng phục vụ Tết và bán chạy nhất vào thời điểm này ở chợ nổi Cái Răng là củ kiệu. Củ kiệu chủ yếu được mua về để làm dưa, món dưa củ kiệu đã trở thành món dưa truyền thống của mọi gia đình ở miền Tây vào dịp lễ Tết. Ông Tám Roi, chủ của hai ghe củ kiệu 25 tấn cho biết: “Từ đầu Tháng Chạp đổ đi, kiệu được tiêu thụ mạnh dần lên, mỗi ngày tôi bán từ 9-10 tấn kiệu. Giá kiệu cũng ổn định, không tăng bao nhiêu vào dịp Tết này do chúng tôi đã đặt nhà vườn từ trước!”

Khác với chợ trên bờ, chợ nổi có cách tiếp thị-giới thiệu sản phẩm rất độc đáo, người bán hàng không rao hàng mà người ta dùng cây sào cắm trước mũi ghe rồi treo những món hàng hóa cần bán lên cây sào đó. Cây sào được gọi là “cây bẹo”, còn việc buộc sản phẩm đó lên “cây bẹo” gọi là “treo bẹo”. Có những cây bẹo cao khoảng 7-8 mét buộc hơn chục thứ trái, từ bầu bí các loại đến dưa leo, củ hành, củ sắn, khoai mì, khoai lang... Tôi ngước nhìn đến mỏi cả cổ nhưng vẫn chưa đếm hết được có bao nhiêu thứ trái cây được “treo bẹo”.

Một nét rất đặc biệt ở chợ nổi là “Treo gì bán nấy, nói sao bán vậy”, vốn là phẩm chất thật thà đáng quý của dân thương hồ chợ nổi miền Tây. Ở chợ nổi hầu như không có chuyện nói thách và đương nhiên cũng không có chuyện trả giá, thế nên đi chợ nổi không hề nghe chuyện người ta cãi cọ, cò kè về giá cả. Và ở chợ nổi cũng không hề có chuyện cướp giật, ẩu đả mà thay vào đó là những nụ cười tươi rói luôn chành trên môi khiến du khách cũng phải cười theo.

Bên cạnh các mặt hàng nông sản, chợ nổi cũng có đầy đủ các dịch vụ như ăn uống như: bún riêu, bún cá, phở, mì, hủ tíu... Và có cả những chiếc xuồng cà phê. Chú Ba đã kêu giúp tôi “một ly cà phê đá!” vừa dứt tiếng chiếc xuồng bán cà phê ành ạch nổ máy tiến sát vào mạn xuồng của chúng tôi. Chị bán cà phê nhanh nhẹn làm một ly cà phê đưa tôi, không quên chào hỏi vài câu rất thân tình mộc mạc. Ðây là lần đầu tiên tôi uống một ly cà phê như thế này, ngay trên xuồng giữa chợ nổi đông ken. Cà phê trên chợ nổi Cái Răng cũng ngon không thua gì cà phê Bưu Ðiện (một điểm bán cà phê ngon nổi tiếng ở thành phố Cần Thơ, trên vỉa hè Bưu Ðiện Cần Thơ). Vừa chồng chành vừa bồng bềnh... thưởng thức một ly cà phê đá trên chiếc xuồng ba lá thì không gì bằng.


0 Comments:

Post a Comment

<< Home